Welcome, Guest
Home » Articles » Các đề tài khác

Xẩm tầu điện
  
Trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam từng có một loại hình nghệ thuật khá độc đáo. Nó chỉ được diễn xướng trên các chuyến tàu điện và ga tàu điện của Hà Nội, vì thế nó có tên là xẩm tàu điện. Khi phương tiện giao thông này bị thay thế, loại hình nghệ thuật này đã lụi tàn...

Hà Nội của tương lai sẽ lại có tàu điện, tất nhiên là tàu điện ngầm hiện đại hơn trước đây rất nhiều. Biết đâu, điệu xẩm ngày xưa lại có “đất sống”, dành lại vị thế thời hoàng kim của mình như cách đây gần một thế kỷ?

Khi xẩm “đi” tàu

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội chắc hẳn vẫn chưa thể quên tàu điện - một loại hình phương tiện giao thông của cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Nó đã gắn liền với người dân Hà Thành gần một thể kỷ. Chắc hẳn những người đã từng đi tàu điện ngày xưa vẫn nhớ đã bắt gặp đâu đó những người hát xẩm lang thang trên những chuyến tàu, những nhà ga. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, xẩm đã “kết duyên” với tàu điện để sản sinh ra một loại hình nghệ thuật độc đáo, chỉ riêng có ở Hà Nội, Việt Nam. Đó là xẩm tàu điện.
 
một ban xẩm lẻ
 
Theo một số tài liệu thì tàu điện Hà Nội tồn tại trên 9 thập kỷ. Nghĩa là cũng chừng ấy thời gian, xẩm tàu điện được “ăn nhờ ở đậu” khá “ấm thân”. Khi tàu điện không còn thì xẩm tàu điện cũng chết. Hiện nay, chỉ một ít người biết và có thể trình diễn được loại hình nghệ thuật này.
Một trong số đó là nhạc sỹ Thao Giang,  Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam. Nhạc sỹ Thao Giang cho biết: Năm 1900, Pháp đã cho chạy thử tuyến đường tàu điện đầu tiên Bờ Hồ - Thụy Khuê, sau đó mở rộng ra các tuyến đường Hà Nội - Cầu Giấy; Hà Nội - Hà Đông; Hà Nội -  Chợ Mơ... và lúc nào cũng nườm nượp khách khứa. Những người hát xẩm ở các làng quê đã theo chân những người tiểu thương lên Hà Nội hành nghề. Có một số nghệ nhân đã tìm ra một miền đất mới cho nghề hát xẩm.
 
một gánh hát xẩm truyền thống
 
Tàu điện là nơi tập trung rất đông người, họ có một khoảng thời gian rảnh rỗi nhất định- đó là điều kiện tuyệt vời cho những người hát xẩm hành nghề. Tuy nhiên, những thính giả thành thị này có “gu” riêng và tàu điện cũng là một môi trường diễn tấu khác hẳn những chợ quê, nên những nghệ nhân đầu tiên đã sáng tác riêng một làn điệu xẩm riêng. Đó chính là xẩm tàu điện.

Nhạc sỹ Thao Giang cho biết: sinh ra và lớn lên “cùng thời” với tàu điện nên trong ký ức của ông còn rất nhiều kỷ niệm. Ông nhớ lại: “Ngày đó, Nhạc viện Hà Nội, cơ quan tôi làm việc có trụ sở ở 32 Nguyễn Thái Học. Cứ khoảng 5 giờ sáng là chúng tôi đã nghe tiếng leng keng của tàu điện ngược xuôi rồi. Hàng ngày, tôi đi tàu điện qua chỗ bến xe Cửa Nam, được nghe những điệu xẩm tàu điện mà đến giờ vẫn còn da diết nhớ. Thông thường nhóm xẩm tàu điện chỉ khoảng từ 2-3 người. Trong đó mỗi người đều có thể vừa là nhạc công, vừa là người hát. Nhóm xẩm tàu điện thường có một đứa trẻ. Khi biểu diễn thường là do hai người lớn thực hiện, nhưng mỗi khi lên đến cao trào là có tiếng hát của một em bé chen vào. Tiếng hát lanh lảnh rất “ép phê”.

Nhạc sỹ Thao Giang cho biết: theo tài liệu chúng tôi sưu tầm được thì “cha đẻ” của xẩm tàu điện là nghệ nhân Trùng Nguyên và nghệ nhân Thân Đức Chinh. Cả hai người này đều không còn. Đặc trưng của xẩm là ở đâu cũng trở thành môi trường diễn xướng như bến sông, bãi chợ, sân đình và cả trong thính phòng. Vì thế, khi Pháp mở tuyến tàu điện đầu tiên, với lượng khách đông đúc, xẩm tàu điện ngay lập tức có được chỗ đứng. Sau này có rất nhiều người cũng hành nghề xẩm tàu điện.

Xẩm tàu điện có khá nhiều điểm khác so với xẩm truyền thống. Trước hết là về trang phục. Trong khi “ông tổ” của nghề xẩm là xẩm chợ, hàng ngày phải mặc áo tơi, đội nón lá để “chiến đấu” với cảnh dầm mưa dãi nắng thì nghệ nhân xẩm tàu điện lại vô cùng “ăn diện”. Nam thì mặc quần áo nâu, mùa rét thì khoác bên ngoài tấm áo veston, đầu đội mũ cát (giống như mũ cối nhưng màu trắng) nhưng vẫn phải đeo kính đen để thể hiện sự “bơ đời”, tránh cái nhìn không thiện cảm về cái nghiệp “xướng ca vô loài” hè phố. Nữ thì mặc áo tối màu (nâu hoặc xám), có áo yếm sáng màu, váy lưng lửng đầu gối. Sở dĩ có sự khác biệt về trang phục như vậy là bởi môi trường diễn xướng của nó quá tân thời khác hẳn không gian diễn tấu của xẩm truyền thống.

Về đạo cụ thì xẩm tàu điện chỉ có nhị hồ với song loan. Còn xẩm chợ thì  dùng rất nhiều các nhạc cụ như nhị, đàn bầu. Đặc biệt là gánh xẩm nào cũng phải có trống. Vì họ biểu diễn ở chợ rất ồn ào nên phải có nhiều đạo cụ thì mới thu hút được sự chú ý của mọi người.  Chính vì có nhiều nhạc cụ như vậy nên một gánh xẩm truyền thống cũng có nhiều người hơn so với xẩm tàu điện. Thông thường, gánh xẩm chợ toàn là người trong đại gia đình, từ già đến trẻ.

Về chủ đề của các bài xẩm cũng có sự khác nhau giữa xẩm tàu điện và xẩm chợ. Trong khi đối tượng diễn xướng của xẩm tàu điện đa phần là dân thị thành,  nên những vấn đề được đề cập trong xẩm tàu điện cũng “cao cấp” hơn chứ không dân dã như xẩm ở làng quê, xẩm chợ. Chẳng hạn, ở nông thôn hay hát điệu “thập âm” trong những lễ mừng thọ để báo hiếu với bố mẹ, ông bà hay mỗi khi có người chết. Vì thế, những điệu xẩm cũng dài lê thê, có khi hát cả đêm không hết và giai điệu thì nghe rất buồn. Trong khi đó, Hà Nội là phố buôn bán tấp nập, người ta không có thời gian để nghe hàng tiếng đồng hồ, vì thế, các điệu xẩm cũng ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh hơn và rộn ràng hơn.

 Thơ Nguyễn Bính “đắt sô”

Cùng là thể loại xẩm nhưng cấu trúc âm nhạc của xẩm tàu điện lại hoàn toàn khác. Về cơ bản thì xẩm tàu điện chỉ có một làn điệu nhưng trong quá trình vận hành, các nghệ nhân đã đưa thêm nhiều làn điệu vào cho phong phú hơn như: một chút xẩm chợ, điệu trống quân, điệu huê tình nhưng được “chuyển hệ” một cách rất tài tình. Nhạc sỹ Thao Giang nhận xét: Đó là điều mà bây giờ chính chúng tôi dù hiểu biết về nhạc lý cũng không làm được.

Nhận xét về đặc trưng của xẩm tàu điện, nhạc sĩ Thao Giang cho rằng: sở dĩ nó được yêu thích là bởi các “nghệ nhân đường phố” đã vận dụng những bài thơ của những người nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Những nhà thơ thường được những người hát xẩm “mượn” thơ là Nguyễn Bính, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải... Chẳng hạn bài mà nghệ sĩ Thanh Ngoan hay hát là “Lửng lơ con cá vàng” (thơ Tản Đà). Hay “Giăng sáng vườn chè” (thơ Nguyễn Bính). Nhưng đặc biệt, thơ Nguyễn Bính tỏ ra phù hợp và “đắt sô” hơn cả. Những bài như: “Lỡ bước sang ngang”, “Chân quê”... được các nghệ nhân xẩm tàu điện sử dụng rất nhiều. Xẩm tàu điện rất hợp với thanh âm của tiếng Việt, đặc biệt là thơ lục -  bát. Vì thế, khi vận dụng thơ Nguyễn Bính đã tạo nên sự ăn nhập rất tài tình giữa cấu trúc văn học và âm nhạc. Khi biểu diễn có thể nói là “mưa tiền” vì khách rất thích. “Chả thế mà những nghệ nhân như cụ Trùng Nguyên - người đưa xẩm lên tàu điện có tới mười mấy bà vợ mà bà nào cũng cơ ngơi tử tế. Hay như cụ Hà Thị Cầu cũng là vợ thứ 7, thứ 8 của cụ Trùng Chương. Tức là những cụ “trùm xẩm” đều rất giàu có”.

Khi bắt tay vào sưu tầm, điều khiến nhạc sĩ Thao Giang không khỏi ngạc nhiên vì  tuy xẩm tàu điện chỉ có một làn điệu nhưng khi hát ai cũng thích và muốn nghe đi nghe lại nhiều lần. “Tôi có một ông bạn ở Nga về nói rằng: Tôi yêu dân ca Nga như thế nào thì cũng mê xẩm tàu điện như thế. Đó có lẽ là do làn điệu của nó rất tha thiết, trữ tình. Hơn nữa, loại hình này không hề bị lai tạp, nó thuần Việt vô cùng chứ không như cải lương hay tuồng của mình nổi tiếng như thế nhưng thực chất lại có nguồn gốc từ Trung Quốc”.

Trung tâm Văn hoá  Nghệ thuật Việt nam đã từng đưa một số bài mới vào để biểu diễn và thu thanh. Chẳng hạn như bài “Vui nhất có chợ Đông Xuân” được chế hoàn toàn theo xẩm tàu điện mà đêm diễn  nào ở chiếu xẩm cũng được yêu thích. “ Gần 3 năm nay, thứ 7 nào cũng diễn, tính ra cũng hàng ngàn lượt người xem còn gì, thậm chí có khi khán giả còn thuộc hơn cả chúng tôi. Có đêm không diễn, khán giả còn gõ cửa bảo sao hôm nay lại không diễn, có phải vì thiếu kinh phí hoạt động không? Điều đó càng thôi thúc chúng tôi giữ gìn và phát huy hơn nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn mạnh tay đưa vào xẩm tàu điện tiết tấu sôi động hơn, không chỉ hát đôi, hát ba mà còn hát tập thể. Sưu tầm cả tiếng rao để đưa vào nhằm làm phong phú thêm cho loại hình” -  Nhạc sĩ Thao Giang cho biết.

Hy vọng ngày trở lại

Dù không còn tàu điện nữa nhưng từ năm 2005 đến nay, cứ mỗi tối thứ 7 hàng tuần, trên phố Hàng Đào - Đồng Xuân sầm uất, các nghệ nhân của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam đã cùng chung sức sưu tầm và phổ biến nghệ thuật hát xẩm đến với công chúng trong và ngoài nước. “Nếu chúng ta chỉ lưu giữ trên giấy tờ thì có thể sẽ bị mối mọt ăn mất, nhưng nếu chúng ta gieo nó vào trong lòng khán giả thì nó sẽ còn mãi, không bao giờ mất đi cả. Khi bắt tay vào thành lập Trung tâm và chiếu xẩm Hà Nội, tôi có một niềm tin là những điệu xẩm đó không thể mất đi được, nó sẽ được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, chỉ là sớm hay muộn mà thôi”, nhạc sĩ Thao Giang tự tin nói.

Mỗi khi ngậm ngùi nhớ về tàu điện, những người Hà Nội lại bồi hồi về những điệu hát xẩm tha thiết, trữ tình xen lẫn tiếng leng keng sớm tối thủa trước. Với sự mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, năm 2010, Hà Nội sẽ lại có tàu điện nhưng không phải chạy “lộ thiên” mà chạy ngầm bắt đầu từ ga Hà Nội đến Nhổn, dài 12km có lộ trình Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - Ga Hà Nội (điểm cuối trên đường Trần Hưng Đạo). Tàu điện sẽ đi nổi từ đầu tuyến đến Kim Mã rồi đi ngầm trong lộ trình còn lại. Tàu chạy một vòng mất 49 phút, vận tốc trung bình đạt 33km/h. Không biết khi đó, xẩm tàu điện có lại tìm về chốn cũ?
 
Bài viết của Thanh Hà đăng trên www.baovietnam.vn
Category: Các đề tài khác | Added by: phuongnga (15.12.2008) | Author: Thanh Hà W
Views: 633
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Sign Up | Log In ]