Welcome, Guest
Home » Articles » Các đề tài khác

Tầu điện đã đến với Hà nội từ khi nào?
  
Trên khắp thành phố Hà nội ngày nay không còn một tuyến tầu điện nào, nhưng hình ảnh của chiếc tầu điện đã in sâu vào trong lòng một số người dân Hà nội như một hình ảnh rất thân yêu mà mỗi khi nhắc đến không tránh khỏi xao xuyến. Rất may mắn là chúng ta được nằm trong số những con người đó. 
Có những bạn ở phố Hàng bông, hàng Gai chẳng hạn khi mới sinh ra tiếng động đầu tiên được nghe thấy chắc chắn là tiếng tầu điện chạy vì đấy là tuýên có nhiều tầu chạy nhất, từ Bờ hồ tầu chạy qua Hàng bông rồi toả ra 3 hướng của thành phố. Trong số đó có khi có cả những bạn được sinh ra cũng là nhờ tiếng tầu điện chạy qua, những bạn này thường có đặc điểm là thích nhẩy tàu. 
Tầu điện gắn với cuộc sông của chúng ta như vậy, nhưng nó xuất hiện ở Hà nội từ khi nào, mình xin gửi tới các bạn 1 tài liệu như sau:
 
Tháng 5/1890, Công ty Điện địa Đông Dương xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào Công ty này (tên Pháp là Usine de la Société des tramways électriques de L’ Indochine). Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thuỵ Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là “Nhà máy tàu điện Thuỵ Khuê”.

Ngày 13 tháng 9 năm 1900 chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê. Chợ Đồng Xuân đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. “Nhà tàu” hái ra tiền, khối lợi nhuận.
(hình ảnh xe điện ngày xưa ở Hà nội)

Do vậy sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp, khánh thành ngày 10/11/1901, lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng).

Hai năm sau mới bỏ đoạn Cửa Nam – Sinh Từ - Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột.

Năm 1906 làm đường Bờ Hồ - Chợ Mơ, khánh thành ngày 18/12/1906. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê lên tận Chợ Bưởi.

Năm 1915 đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông nhưng phải dừng ở bên này Cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Do vậy mà năm 1929 mới có một anh tư bản đề xuất làm cầu Đơ mới để đưa tàu điện vào giữa thị xã (nhưng rút cục vẫn không thực hiện được).

Trong năm 1929 đó có thêm được tuyến Yên Phụ - ngã Tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn) để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai).

Như vậy là tới năm 1929, từ ga Trung tâm Bờ Hồ (Ga Tàu điện Bờ Hồ nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) toả ra 6 ngã: Lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng, tức cũng là toả ra 6 cửa ô nối nông thôn với nội thành.

Tàu điện Hà Nội tồn tại trên chín thập kỷ. Tiếng chuông leng keng của nó tạo nên một nét riêng biệt của thành phố, đi vào tâm thức nhiều người dân Hà Nội nên đã bật ra thành lời thơ như :

Những ước mơ, những đêm ta thầm nhắc
Ta lại về, hạnh phúc bừng lên
Những dãy nhà cao chấp chới ánh đèn
Tiếng tàu điện leng keng gọi khách
(Kim Ngọc Diệu)

Bến tàu điện trước cổng trường tôi
Năm xu lên Cửa Nam một vé
Nhớ một thời tàu điện với sinh viên
Quen thuộc quá tiếng leng keng mời gọi
(Lê Duy Phương)

 Do vậy, ai đi xa, khi nhớ về Hà Nội đều phải nhắc đến nó như một cái gì đó rất đặc trưng, không bao giờ phai nhạt trong ký ức.

Thời Pháp thuộc mỗi đoàn tàu có hai hoặc ba toa, ở toa đầu có chia ra hai hạng vé: hạng nhất, hạng nhì. Hạng nhất có ghế đệm, ngồi ngang nhìn thẳng; hạng nhì ngồi dọc ghế cứng. Hàng hoá chất ở dưới ghế, thúng mủng quang gánh móc ở bên ngoài toa cuối.

Thế rồi đến ngày “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời”, những ngày tháng Chạp năm 1946, các toa tàu điện trở thành chướng ngại vật rất có hiệu quả ngăn chặn bước đi của các đoàn xe cơ giới của thực dân gây chiến trên các nẻo đường phố phường.

Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, ta tiếp quản Nhà máy tàu điện. Các đoàn tàu được xoá bỏ cách phân chia thứ hạng và dần dần chữ tàu điện được gọi là xe điện. Xe điện phục vụ nhân dân khá đắc lực trong mấy chục năm ròng, nhất là thời gian sơ tán chống Mỹ.

Sau đến đầu thập kỷ 90  của thế kỷ trước, dường như là do yêu cầu thông thoáng đường phố hoặc văn minh hoá thành phố các tuyến xe điện lần lượt ngừng hoạt động. Đường ray bóc đi, cùng đầu máy, toa xe hẳn là dồn về kho nhà máy. Mười mấy năm qua, những ai đã từng đi tàu điện vẫn cứ thấy văng vẳng bên tai tiếng leng keng náo nức một thời.


(Nguồn tin: VOV News)
Category: Các đề tài khác | Added by: phuongnga (13.12.2008)
Views: 731 | Comments: 4
Total comments: 4
19.12.2008
4. phuong [Tư liệu]
có mỗi 1 câu hỏi chuyến tầu điện cuối cùng chạy lúc mấy giờ mà Nhung không trả lời được, nếu bạn không nhớ chính xác thì cứ trả lời là khoảng nửa đêm cũng được, có sao đâu ! , đã khách sáo lại còn kỹ tính smile

19.12.2008
3. Vũ Hữu Thành (vuhuuthanh) [Tư liệu]
Quả thực là Nhung viết hay quá! Trí nhớ tuyệt vời và lối viết thật thông minh, hành văn thật hấp dẫn. Thế mà ngày xưa chẳng thấy Nhung thi học sinh giỏi văn gì cả.

16.12.2008
2. phuong [Tư liệu]
Cám ơn Nhung, bài viết rất hay.
Cho mình hỏi thêm, chắc bạn biết rõ, chuyến tầu cuối cùng chạy lúc mấy giờ ?

16.12.2008
1. Nguyễn Thị Kim Nhung (nhung) [Tư liệu]
NHắc đến "Tiếng leng keng của tầu điện'' làm bâng khuâng khi nhớ lại tuổi thơ đã đi qua. Cứ khoảng 4h15 là chuyến tầu điện đầu tiên dừng lại đón đưa khách trước cửa nhà tôi rồi sau đó xuôi hướng Bờ Hồ. Mẹ tôi cứ lấy chuông đó thay đồng hồ báo thức dậy sớm chuẩn bị công việc gia đình cho con cái trước khi đi làm vì khi đó tầu điện được cung cấp điện bằng đường dây riêng không bao giờ bị mất. Giá vé lúc đó là 5xu cho đi chặng dài., 2xu cho đi nửa chặng .Trong số đó có cả đi lậu vé và trẻ con xin đi nhờ ... Chắc người viết lời tựa cho bài này có chút nhầm lẫn chăng? Các cụ xưa thường nói :''gái nửa đêm ,trai tờ mờ sáng ". Cứ theo kinh nghiệm dân gian thì thấy rằng "các siêu nữ nhẩy tầu ''được sinh ra không phải nhờ tiếng tầu điện chạy mà nhờ một âm thanh khác cũng rất đặc chưng cho Hà Nội mà đã đi vào thơ . Khóc tiếng khóc chào đời khi chuyến tầu đầu tiên chưa đến (3h05ph) . Có thể do thiếu hụt ngay từ trong trứng nước nên tuổi thơ luôn mong ngóng những chuyến tầu chạy qua khi mẹ không có nhà . Có khi trong số chúng ta ai đó cũng là những vị khách đi lậu vé ...Rồi chúng ta cũng phải chia tay với " tiếng leng keng của tàu điện " cũng như chia tay với tuổi thơ đầy sôi động. Chúng ta cũng thật lấy làm tiếc vì thế hệ sau của chúng ta không được chứng kiến, không được nghe thấy tiếng âm thanh quen thuộc đặc trưng của người Hà Nội này.

Only registered users can add comments.
[ Sign Up | Log In ]