Welcome, Guest
Home » 2009 » Tháng 10- » 3 » Tết Trung Thu thời bao cấp
15:20
Tết Trung Thu thời bao cấp
Mình chép lại bài của 1 độc giả trên Vnexpress về tết Trung Thu thời bao cấp của thế hệ 6X để các bạn đọc . Ai còn nhớ về tết Trung Thu thời đấy thì kể lại cho vui.
 

Trung Thu thời bao cấp

Sắp đến một Trung thu mới. Có gì khác không, so với thời bao cấp – khi tất cả mọi nhà đều nghèo khó, nhưng yên ấm? (Thế Vinh)

Lạc hậu và nghèo đói trong thời bao cấp là những ám ảnh khó quên. Có dạo, nhà tôi được chia gạo nếp trong 6 tháng. Mẹ tôi hết thổi, nấu lại đồ, nhưng không thể nuốt nổi. Gạo nếp là thứ chỉ có thể ăn chơi chơi, chứ không thể ăn ròng rã trong nhiều ngày được. Lại có dạo nhà tôi được chia loại gạo vớt lên từ tầu chìm trên sông Mã. Thứ gạo ngâm nước lâu ngày, ôi chao nấu lên mùi không tài nào ngửi nổi. Mẹ tôi phải dùng quạt để xua bớt cho cái mùi ấy bay đi. Những năm ấy, tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là giữ được học bổng hàng tháng để dồn tiền mua cho mẹ một mảnh vải satin “quả táo” của nhà máy dệt Nam Định. Chỉ thế thôi.

Bao cấp là một thời lạ lùng. Có sự lạc hậu khó tránh khỏi về luật pháp trong quãng thời gian gian khó ấy. Nhưng suốt một thời kỳ dài lâu ấy, xã hội ổn định, trật tự một cách đáng ngạc nhiên. Hệ thống, cơ chế quản lý kinh tế bị ràng buộc rất chặt chẽ, xuống tận cơ sở thông qua các chỉ tiêu kế hoạch. Qui định về phân phối sản phẩm, tem phiếu; hệ thống sổ sách về ngân sách, tài chính cụ thể, giám sát và chế ước lẫn nhau...

Chính trong thời đó, trẻ em là mục tiêu chăm lo của cả xã hội. Chúng tôi chỉ việc “học mê say, hát cho hay, em lớn lên từng ngày”, mọi việc khác đã có người lớn. Mà người lớn ra người lớn, bởi các bậc cha mẹ thường dạy con cái rằng, “phải nghe lời người lớn”. Và mỗi độ trung thu chuẩn bị về là cả một mùa được đợi chờ trong nhiều tháng. Chúng tôi đi kiếm những cây nứa dẻo nhất để tự làm đèn. Đứa nào cũng ham làm những cây đèn ngoại cỡ, to hơn chúng bạn một chút. Chuốt nứa, kiếm những tờ giấy pơ – luya dán thật phẳng, rồi cắt giấy mầu làm hình nhân, làm sợi xúc xích trang trí xung quanh. Làm cái chạc để nến thì phải cẩn thận, thông thường là phải dè xẻn một cái nắp chai bia không làm xèng nữa để kê, không khéo đổ nghiêng một chút là cháy mất cái đèn kỳ công cả tháng trời. Cháy đèn thì khối đứa chỉ còn có nước khóc nhè thôi.

Chiều ngày Rằm, các lớp học đều được nghỉ sớm. Đêm Rằm, các cơ quan đều mở cửa cho trẻ em vào. Thông thường có một mâm cỗ chơi Trăng để giữa sân, cơ quan nào “sang” hơn thì có bộ đầu video chiếu phim hoạt hình hoặc “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, “Viên sỏi kỳ diệu”...  ( chỗ này hình như tác giả nhớ không đúng - NP ) Con nhà cán bộ hay con nhà kéo xe ba gác, chạy bè gỗ, canh đê cũng chẳng hề có sự phân biệt đối xử gì. Đã là con trẻ, chúng hoàn toàn bình đẳng. Tiếng trống làm từ da ếch căng trên vỏ hộp sữa đặc vang lên khắp chốn. Mặt nạ đêm Rằm của bọn trẻ là những tờ bìa cứng, tự vẽ mũi vẽ râu, chằng ra sau gáy bằng một sợi dây chun. Có khu phố người lớn còn bảo nhau tắt hết điện đi, để ánh sáng từ những đèn ông sao, đèn kéo quân của lũ trẻ tỏa ra, lung linh ngời rạng. Chúng hò hét rước đèn qua hết nhà nọ đến nhà kia, cho đến tận khi hết nến, nửa đêm mới chịu về. Không khí Trung thu len lỏi tới mọi hang cùng ngõ hẻm. Và có những đứa trẻ cho đến khi đã say ngủ, tay vẫn không chịu rời chiếc đèn lồng.

Có lẽ sang năm tôi sẽ tự tay làm cho các con một chiếc đèn, bằng nứa, giấy mỏng và dùng nến, chứ không phải thứ đèn ngày nay chạy bằng pin.

Views: 645 | Added by: phuongnga
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Sign Up | Log In ]